Emmaus-Nicopolis

Em-mau Ni–cô–pô–lis

Nơi Chúa bẻ bánh

Thành phố Em-mau định vị trên điểm gặp gỡ giữa các tuyến đường đi lên thành thánh Giê–ru–sa–lem và các trục lộ nối Nam với Bắc Is-ra–en. Vốn nằm trong một vùng đất phì nhiêu thuộc đồng bằng Sê–phê–la, nên ngay từ thời cổ xưa Em–mau đã được biết đến như là nơi có suối nước mát trong, là chốn nghỉ ngơi sảng khoái vô cùng. Chính cái tên Em–mau cũng diễn tả đầy đủ điều đó, vì gốc gác của nó đến từ chữ Ha–mat trong tiếng Do Thái, có nghĩa là « nguồn suối hay nước ấm. » Vào thế kỷ thứ III sau Chúa giáng sinh, Em–mau đã được đổi tên thành Ni–cô–pô–lis, tiếng Hy Lạp gọi là « Thành Chiến Thắng. »

Lịch sử cổ đại :

Em-mau có một lịch sử cực kỳ phong phú và được đánh dấu bởi nhiều cuộc xâm lăng, với những nhân vật điển hình. Sách Giô-su-ê tường thuật lại hiện tượng mặt trời, mặt trăng dừng lại phía trên đồi Ay-a-lôn, trong lúc Is-ra-en chiến đấu với kẻ thù. Năm 165 trước Công Nguyên, Giu-đa Ma-ca-bê đã chiến thắng cách vẻ vang quân Hy Lạp Ni-ca-no, mở đường tiến về Giê-ru-sa-lem và tạo điều kiện để người Do Thái thanh tẩy Đền thờ của họ và khôi phục việc phụng tự thánh, đó cũng là nguồn gốc của lễ Ha-nu-kha hàng năm. Khoảng năm 30 sau Chúa Giáng Sinh, thành Em-mau bị quân La-mã phá đổ, thu hẹp lại thành một ngôi làng đơn sơ, dùng làm nơi kỷ niệm việc gặp gỡ giữa Chúa Phục Sinh với các môn đệ, những người đã nhận ra ngài trong lúc bẻ bánh. Sự Phục Sinh của Đức Kitô, ví như mặt trời xuất hiện trong lịch sử nhân loại, để rồi lôi cuốn, biến đổi con người bằng mầu nhiệm Thánh Thể. Vào thế kỷ thứ III, thành Em-mau được quân La Mã xây dựng lại và nhiều Cộng Đoàn Kitô giáo quan trọng đã xuất hiện tại đây.

Hai môn đệ trên đường Em-mau (Lc 24, 13-35) :

Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-salem ba mươi cây số. Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. Người hỏi họ : "Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?" Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu. Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời : "Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa -lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay." Đức Giê-su hỏi : "Chuyện gì vậy? " Họ thưa : "Chuyện ông Giê-su Nada-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy."

Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng : "Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? »

Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh. Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa. Họ nài ép Người rằng : "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn." Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. Họ mới bảo nhau : "Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?" Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Những người này bảo hai ông: "Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simôn."

Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

Địa điểm khảo cổ:

1.Nhà thờ by-zăng-tinh (thế kỷ thứ VI-VII sau CN, xây dựng lại trong thế kỷ XII CN)

2. Câu khắc bằng tiếng Hy Lạp

3.Mặt hậu phía nam và hốc tường, nơi đặt thánh tích

4.Nhà nguyện rửa tội (thế kỷ thứ V –VI sau CN)

5.Tàn tích của phía bắc nhà thờ (thế kỷ thứ V-VI sau CN)

6.Phần còn lại của các tranh ghép mảnh (thế kỷ thứ V –VI sau CN)

7.Mỏ đá

8. Phần mộ cổ và tranh ghép

9.Phần còn lại của các tranh ghép mảnh (thế kỷ thứ V –VI sau CN)

10. Tàn tích của Toà Giám Mục Ni-cô–pô-lis


Đất hành hương

Ngay từ thời By-zăng–tinh, Em-mau Ni-co-polis đã từng là một Tòa giám mục quan trọng. Nơi đây, tại điểm Đức Kitô Phục Sinh đã gặp gỡ với hai môn đệ, hai nhà thờ lớn đã được xây dựng vào thế kỷ thứ IV đến thứ V. Rồi chỉ ít lâu sau, tức là vào thế kỷ thứ VII sau Công Nguyên các thánh đường này đã bị quân xâm lăng Ả-rập và Ba Tư phá hủy, sau đó lại được quân Viễn Chinh Thập Tự xây dựng lại vào thế kỷ thứ XII. Tuổi đời của các nhà thờ này cũng chỉ kéo dài đến ngày Quân Viễn Chinh ra đi. Sự hiện diện của Kitô Giáo dần dần cũng mờ nhạt theo. Phải chờ đến năm 1878, với sự khởi xướng của thánh Mariam Bethlem, một Đan Viện Cát-minh mới được xây dựng trên nền đất Em-mau và các cuộc hành hương sớm được bắt đầu lại. Các cuộc khảo cổ từ năm 1880 đến năm 1924, đã bị ngừng lại trong nhiều năm, hôm nay được tiếp tục triển khai. Nhờ đó mà ta mới thấy được những phần còn sót lại của hai ngôi thánh đường by-zăng-tinh, với những bức tranh ghép mảnh cực đẹp, một chậu rửa tội cũng như những phần đổ nát của nhà nguyện do quân Viễn Chinh Thập Tự xây dựng.

Các bạn cũng có thể thăm tòa nhà trên ngọn đồi, do các cha dòng Bet-ta–ram kiến thiết vào những năm 1930, nơi có một phòng lưu trữ cổ vật, trong đó có những bức tranh ghép mảnh rất đẹp của Em-mau, bên cạnh đó là nhà nguyện của Cộng Đoàn Thiên Phúc, chủ quản nơi thánh từ năm 1993.



Cộng Đoàn Thiên Phúc

Bắt đầu từ những năm 1993, Giáo Hội đã giao cho Cộng Đoàn Thiên Phúc việc điều hành và bảo tồn di tích thánh. Cộng Đoàn do thầy phó tế vĩnh viễn Ep-ra–im Cơ–ro–at-xăng (Ephraim CROISSANT), người Pháp, sáng lập năm 1973 trong phong trào Canh Tân Đặc Sủng. Các thành viên Cộng Đoàn thuộc mọi thành phần dân Chúa : linh mục, phó tế vĩnh viễn, nam nữ thánh hiến và người có gia đình. Tên gọi Thiên Phúc đến từ bài giảng trên núi của Chúa Giê-su, chương 5 Tin Mừng theo thánh Mat–thê–ô : « Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì nước trời là của họ… » Sự hiện diện của Cộng Đoàn nơi Đất Thánh là để bày tỏ niềm thao thức, muốn chung tay góp sức vào việc giao hoà, hiểu biết lẫn nhau giữa người Kitô giáo và Do Thái giáo, cụ thể bằng con đường học hỏi và cầu nguyện. Cộng Đoàn luôn mở rộng tiếp đón khách hành hương, muốn đến viếng thăm, tĩnh nguyện tại Em–mau.

Mọi nhu cầu xin liên hệ :

Emmaus-Nicopolis, Latrun junction, next to Canada Park, Israel.

Đt : 08-9256940; 052-3562071;

Fax: 08-9246569

emmaus@beatitudes.org

www.beatitudes.org